Tuyến đường bê tông nhựa dài 6.7 km, rộng 12 m kết nối đại lộ Thăng Long và đường Hòa Lạc – Hòa Bình đã xuống cấp, được bộ giao thông vận tải chấp thuận chủ trương đầu tư nâng cấp thành đường cao tốc quy mô 6 làn xe. Điểm đầu dự án tại nút giao cao tốc đại lộ Thăng Long với Quốc lộ 21, điểm cuối tại Km6+700 cao tốc Hà Nội – Hòa Bình.
Đại lộ Thăng Long với chiều dài khoảng 30 km, có điểm đầu tại ngã tư giao cắt đường Vành đai 3 với đường Trần Duy Hưng; điểm cuối tại ngã ba giao cắt với Quốc lộ 21 – Km31+064.
Tuyến đường có quy mô 6 làn xe cao tốc và đường song hành 2 bên đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ tháng 10-2010. Đại lộ Thăng Long có vai trò quan trọng khi là tuyến đường cao tốc hướng tâm phía Tây, nối trung tâm TP Hà Nội với Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc.
Còn đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình dài khoảng 26km (điểm đầu tại km 6+680 giao đường Hòa Lạc – Làng văn hóa dân tộc Việt Nam; điểm cuối tại km32+367, xã Trung Minh, TP Hòa Bình) đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ tháng 10-2018 với quy mô 2 làn xe cơ giới, vận tốc tối đa 80km/h.
Kết nối 2 tuyến đường này là đoạn đường bê tông nhựa rộng 12m, dài 6.7km, mật độ giao thông tương đối cao và hiện đã có dấu hiệu xuống cấp. Do đó việc nghiên cứu đầu tư kéo dài tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối Quốc lộ 21 đến cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình là cần thiết.
Bên cạnh đó, quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại lộ Đại lộ Thăng Long là một phần của tuyến cao tốc Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên.
Với cơ sở trên, Bộ GTVT đánh giá việc đầu tư xây dựng Đại lộ Thăng Long đoạn nối quốc lộ 21 đến cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình sẽ giúp thông suốt tuyến cao tốc từ Hà Nội đi Hòa Bình.
Theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội, dự án có chiều dài khoảng 6,7km, quy mô 6 làn xe cao tốc và đường song hành 2 bên (mỗi bên 2 làn xe cơ giới). Tuyến đường sẽ được xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chiếu sáng, tổ chức giao thông… đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2022-2026. Tổng mức đầu tư dự kiến 5.500 tỉ đồng, gồm 2.000 tỉ đồng từ ngân sách trung ương, phần còn lại từ ngân sách TP Hà Nội.