GIÁO DỤC KHÔNG TRIẾT LÍ
"Sắc tức thị không, không tức thị sắc'
THẤY
Đó là một ngôi trường trên đồi. Đó là một ông giáo dở hơi. Đó là một tay con buôn bất động sản. Bạn cứ nhìn vào ấn tượng bên ngoài và nghe một số người theo trường phái thực dụng nhận xét, bạn sẽ thấy môi trường giáo dục ở nơi này thật kì cục. Hoặc bạn đọc một số bài báo trên mạng và nghe một số người theo trường phái lí tưởng nhận xét, họ sẽ nói đây là một thiên đường của trẻ thơ, với người thầy như một ông Bụt của thế kỉ 21. Sao mà mâu thuẫn, sao mà ngược ngạo đến thế. Cùng là cái thấy, mà cái thấy của con người lại quá khác biệt. Tôi đã đến, tôi đã nhìn, và tôi cũng thấy. Tôi thấy tất cả những điều người thực dụng nói cũng đúng, và tôi thấy tất cả những điều người lí tưởng nói cũng không sai. Xem ra là nếu chỉ nhìn, chỉ đứng từ xa mà nhận xét, thì thật là chẳng biết đúng sai, chân lí thực hư ra sao. Thôi thì, cứ theo cách cổ xưa mà nhà Phật dậy, đại khái là: “đừng vội tin ai chỉ vì họ nói tốt, cũng đừng vội tin ai chỉ vì họ nói xấu. Đừng tin ai chỉ vì họ được gọi là bậc thầy, cũng đừng vội tin ai chỉ vì họ được nhiều người thờ phượng. Đừng tin ai chỉ vì họ nói theo sách vở, kinh điển, cũng đừng vội tin ai chỉ vì họ giàu có, thế lực, tài năng, hay xinh đẹp…Bạn chỉ nên tin khi chính bạn trải nghiệm, khi chính bạn suy tư và thực chứng những điều có thể trở thành niềm tin của mình”.TRẢI
Vậy là tôi quyết định những ngày tới đây sẽ dành tối đa thời gian để trải nghiệm trên ngôi trường đồi – cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm việc với những con người ở nơi đây. Đúng sai chỉ là chuyện của ý thức tạm bợ, con người còn có thân thể, có trí năng, có tâm hồn. Phải huy động tất cả để có thể cảm nhận được đến cùng chân lí.Những ngày đầu
Nghỉ dịch bệnh, tôi chỉ có thể tham gia vào những hoạt động nông nghiệp của trường. Không gian vốn để tập yoga giờ là nơi tập kết thóc. Ngoài lúa nương được trồng trên đồi, nhà trường có một trang trại lúa gạo ở Phú Thọ, hàng tuần thóc gạo được chở về trường để xay xát, phân loại, đóng gói và bán ra thị trường. Lượng gạo bán ra khá lớn vì học sinh nghỉ học, bớt đi gần 500 suất ăn mỗi ngày. Trường cách trung tâm Hà Nội 1h chạy ô tô. Mỗi ngày 1-2 chuyến xe chở gạo và nông sản xuống Hà Nội để ship cho khách hàng đặt từ tối hôm trước. Nhờ hoạt động trang trại, sản xuất và bán thực phẩm, nhà trường tạo được công ăn việc làm cho vài chục nhân sự bao gồm nhiều giáo viên phải nghỉ dậy học vì dịch bệnh. Việc nghỉ dịch kéo dài lại trở thành áp lực tốt khiến khả năng sản xuất và kinh doanh trang trại của trường được đẩy mạnh, chuyên nghiệp hoá. Trước đây khi học sinh còn đi học, nhà trường rất hạn chế bán ra thị trường. Gia Huy – Phụ trách truyền thông của trường nghỉ tay chốc lát trong lúc hỗ trợ công nhân bê gạo. Ở trường này, dường như không có ngoại lệ, bất cứ ai cũng phải làm việc tay chân. Cô giáo Mĩ Thuật Vân Anh đang phân loại rau. Cô giáo mới lên trường để được đào tạo. Bài học đầu tiên của cô không phải là về lí thuyết dậy học hay cách tổ chức lớp, hay bất kì kiến thức chuyên môn nào, mà chính là lao động – làm việc của nhà nông. Mỗi sáng cô dậy từ 5h sáng để giúp chuẩn bị bữa sáng cho các nhân viên trang trại của trường. Giữa giáo viên và nông dân không có khoảng cách, họ cùng làm, cùng ăn sáng, ăn trưa, cùng ở trong một khu kí túc xá.Cô Thu dậy Yoga – nhìn cô như một công nhân vặt lông gà chuyên nghiệp. Cô cần mẫn, tập trung với mảng gà qué của trường, rành rẽ từng công đoạn và phối hợp nhịp nhàng với tổ bếp. Mỗi ngày khoảng 100 con gà được thịt và bán cho phụ huynh và mối quen biết dưới Hà Nội. Trường nuôi hơn 1000 con gà đến tuổi trưởng thành, học sinh nghỉ dịch không tiêu thụ được nên trường kêu gọi mọi người giải cứu. Gà có 2 loại: gà đồi và gà vườn. Gà đồi giá 250k/kg, ăn rất ngon, thịt chắc.Trường có máy hút chân không giúp bảo quản gà và các loại thịt được lâu trong thời gian giao hàng. Trong ảnh là thầy Lăng dậy toán, mới ở Hà Nội lên đang bắt đầu thời gian thực tập và đào tạo.
út chân không giúp bảo quản gà và các loại thịt được lâu trong thời gian giao hàng. Trong ảnh là thầy Lăng dậy toán, mới ở Hà Nội lên đang bắt đầu thời gian thực tập và đào tạo.
Ngô của trường được trồng trên đồi. Hạt ngô nhìn hơi lép và bắp ngô nhìn hơi lởm khởm, không đẹp mắt, có lẽ do ngô được trồng hữu cơ. Đây cũng là thức ăn cho gà nuôi trên đồi.
Thầy hiệu trưởng nghiên cứu và sản xuất bộ sản phẩm mật chuối và cao diếp cá, đây là thuốc nam giúp nhuận tràng, mát gan, bổ tiêu hoá, đặc dụng trong chữa bệnh trĩ. Sản phẩm bán khá chạy.
Đi lên lưng chừng đồi, có một túp lều nhỏ âm ỉ lửa suốt ngày đêm. Đây là nơi có nồi ninh nước xương và cũng thường dùng để luộc bánh chưng, hoặc để bán, hoặc để cho học sinh ăn.
Các sản phẩm si rô, nước ngâm hoa quả, trái cây do trường sản xuất như quả sim, quả Hibiscus, v.v…
Cô Vân Anh đang kiểm tra và phân chia đơn đặt hàng của khách
Trường có một trại dê vài chục con. Học sinh được tiếp xúc gần gũi trong chuồng dê hay xem chúng chạy nhảy ngoài bãi cỏ. học sinh thậm chí nhìn thấy cách mà dê giao phối, đẻ con. Thầy Quang thẳng thắn chia sẻ rằng đó là cơ hội tuyệt vời để dậy trẻ về bài học giới tính.
Sữa dê được đưa qua hệ thống máy làm lạnh sau đó đun ở nhiệt độ thích hợp để thanh trùng. Trẻ con được uống sữa dê và ăn sữa chua dê mỗi ngày. Dê chạy nhảy trên đồi và ăn cỏ dinh dưỡng, thức ăn có vi sinh IMO nên theo như thầy hiệu trưởng chúng có hàm lượng Omega 3 trong sữa rất cao.
Dưới chuồng dê là hệ thống thu gom phân và nước tiểu dê phục vụ tưới tiêu làm phân bón cho cây cối, rau xanh của trường.
Trẻ con trên trường buộc phải lao động và làm những công việc cùa nhà nông như đi hái chè, ngồi phân loại và xếp lá. Theo như thầy hiệu trưởng, các môn khoa học đều được dậy một cách thực tế qua những công việc như thế này – ví dụ học về số đếm, về tính toán thể tích, khối lượng, quan sát sinh trưởng của cây, v.v…Trong ảnh là con trái và con gái của thầy Quang.
Lá cây chè trên đồi được trồng hữu cơ không bao giờ dùng thuốc trừ sâu nên nhìn rất tự nhiên, nhiều lá cong queo vặn vẹo như trong hình. Việc thu hoạch và tuốt lá được làm hoàn toàn thủ công.
Ngồi máy tính ở giữa khu bếp là cô Hoa vợ thầy Quang. Cô là tiến sĩ công nghệ sinh học ở Hồng Kông, từng sống và tu nghiệp nhiều năm ở Nhật. Cô và các con luôn sát cánh cùng thầy hiệu trưởng trong mọi việc. Cô phụ trách hậu cần cho trường và dậy 1 số môn khoa học.
Mẹ của thầy Quang – bà từ quê ở Ân Thi, Hưng Yên lên thăm con cháu cũng lao vào bếp giúp đỡ mọi việc từ sáng sớm tinh mơ.
Và đây là chân dung thầy Nguyễn Đức Quang – người sáng lập và điều hành trường. Nghe nói thầy chỉ 1,2 lần trong đời mặc áo vest, còn lại luôn trong hình ảnh của một ông nông dân. Thầy Quang từng là học sinh giỏi cấp tỉnh, xuất thân ở một làng quê nghèo ở Ân Thi, Hưng Yên. Thầy vào đại học Quốc Gia 2 năm thì nhận học bổng qua Pháp học về tâm lí học. Thầy tiếp tục theo đuổi sự nghiệp học thuật với những nguồn học bổng, tài trợ khác nhau. Thầy có 2 bằng Thạc sĩ về Giáo dục và nông nghiệp ở VN và nước ngoài , 1 bằng tiến sĩ ở Nhật về giáo dục thuận tự nhiên. Thầy tu nghiệp nhiều năm ở Úc, ở Mĩ, chủ yếu sống và làm việc trong các trường đại học, các học viện nằm trên đồi núi, trong môi trường rừng hoặc môi trường trang trại, khá giống về triết lí như mô hình mà thầy đang làm tại Việt Nam hiện nay. Thầy từng mở trường ở khu vực Mĩ Đình, mở trường trong toà nhà Keangnam, rất thành công về mặt kinh tế. Tuy nhiên để giúp phát triển tốt nhất cho học sinh, thầy đã quyết định dời tất cả về vùng núi Quốc Oai, Hà Nội, bất chấp nhiều khó khăn về hành chính và phản đối của dư luận. Thầy có rất nhiều người hâm mộ và cũng không ít người thù ghét. Thầy Quang là người mạnh mẽ, kiên định, đối ngoại khéo léo, điều hành nội bộ quyết đoán, hiệu quả. Thầy dậy sớm, làm việc chăm chỉ, sức khoẻ cực tốt, lao động và dậy học từ sáng tới khuya không ai theo kịp. Tuy nhiên đôi khi thầy cũng khá bộc trực và thẳng tính, thậm chí có lúc nóng tính với những điều chướng tai gai mắt. Có lẽ đó là một phần lí do khiến nhiều người nếu tiếp xúc qua hoặc vì một ấn tượng của sự kiện nhất thời nào đó, có thể cảm thấy ghét thầy.
Thầy đang dậy giáo viên mới cách chăm sóc những bầu cây nhỏ bé. Hầu như thầy không bao giờ ngồi một chỗ đào tạo giáo viên thì phải, cứ bắt phải vừa lao động vừa nghe thầy giải thích cách làm giáo dục. 3 chân kiềng phương pháp của thầy là: Nông nghiệp, tỉnh giác, và biết ơn. Học sinh phải học LÀM NÔNG NGHIỆP để hiểu rõ cái gốc của văn minh văn hoá con người, để được phát triển thể chất và não bộ thông qua các động tác lao động như đi, đứng, ngồi, ấn, xoay, vặn, đẩy, kéo, v.v…Học sinh phải học TỈNH GIÁC – tức là sự sáng suốt, tỉnh táo trong mọi việc – để phát triển trí tuệ, khả năng nhận thức và hiểu biết sâu sắc, rõ ràng, phát triển khả năng chú tâm khi làm bất cứ việc gì. Và học sinh phải học BIẾT ƠN để sống có đạo lí, biết yêu thương muôn loài, từ cây cỏ, thú vật cho tới con người. Một học sinh làm được 3 điều này, thì chắc chắn vứt đi đâu cũng thành công, sống ở đâu cũng hạnh phúc. Đó là triết lí mà thầy Quang theo đuổi (Điều này tôi đã không thể tìm thấy qua thông tin trên mạng, fanpage, website hay nội dung thông tin tuyển sinh, hội thảo của nhà trường – dường như dụng ý của thầy Quang là chỉ chia sẻ triết lí sau khi người ta đã có trải nghiệm sống, học tập, và làm việc tại nơi này)
Rất nhiều các loại cây hoa được ươm trồng ở khuôn viên trường, trẻ con được học kinh doanh thông qua các dự án ươm, gieo, trồng, thiết kế chậu cây và bán cây ra thị trường. Các lớp học thường không phải đóng quĩ lớp vì học sinh tự kiếm được tiền để phục vụ cho những hoạt động vui chơi ngoại khoá của mình.
(Còn nữa….)