Hòa Bình định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Đề án phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp hẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc.

Với vị trí thuận lợi tại cửa ngõ phía Tây Hà Nội, chỉ cách trung tâm Thủ đô khoảng 60 phút di chuyển, Hòa Bình đang là khu vực trọng điểm về phát triển kinh tế, du lịch khu vực Tây Bắc Việt Nam.

Hòa Bình đang có 3 tuyến đường quốc lộ kết nối thông suốt với Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc gồm QL6, đường Hồ Chí Minh (QL21) và đường Láng – Hòa Lạc – Hòa Bình đang đầu tư, mở rộng theo hướng cao tốc.

Tài nguyên du lịch của tỉnh tương đối đa dạng, có sông, hồ, suối nước khoáng, rừng nguyên sinh, đồi núi, các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn Quốc gia… Đặc biệt thắng cảnh hồ Hòa Bình vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch để phát triển thành Khu du lịch Quốc gia.

Theo thống kê, tỉnh Hòa Bình có 101 di tích được xếp hạng và 100 di tích chưa được xếp hạng. Đặc biệt, tỉnh có trên 30 khu, điểm du lịch. Trong đó có 9 điểm đã công nhận điểm du lịch địa phương và 1 khu du lịch cấp tỉnh. Đây là lợi thế lớn để ngành Du lịch phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách du lịch.

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đón hơn 12.5 triệu lượt khách du lịch. Số lượng khách và doanh thu từ hoạt động du lịch đều tăng trưởng qua từng năm, bình quân mỗi năm tăng 10.7%.

Toàn tỉnh có 72 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 20,594 tỷ đồng.

Nhiều khu du lịch sinh thái, tổ hợp nghỉ dưỡng 5* quy mô lớn được xây mới như Mai Châu Hideway, Mai Châu Ecolodge, Bakhan Village Resort (Mai Châu); Khu du lịch nghỉ dưỡng Hồ Dụ và Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Sunset (Lương Sơn); An Lạc Farm và Serena Resort (Kim Bôi), Legacy Hill Hòa Bình, Ivory Villas & Resort, Takara Hòa Bình Resort, Casa Del Rio Hòa Bình…

Serena Resort Kim Bôi
Serena Resort Kim Bôi

Hiện tỉnh đang thực hiện nhiều chính sách thông thoáng cho các nhà đầu tư. Cụ thể, tỉnh đã ban hành chính sách miễn tiền thuê đất 11 – 15 năm; miễn, giảm từ 10% đến 50% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án thuộc các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm. Để du khách và các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận với khu vực hồ Hòa Bình hơn, tỉnh vừa đầu tư xây dựng tuyến đường 345 dài khoảng 30 km kết nối thành phố Hòa Bình xuống khu vực lòng hồ. Tuyến đường còn đi qua các địa danh có thể phát triển thêm các khu du lịch sinh thái ven hồ như xã Bình Thanh, Thung Nai (huyện Cao Phong) đến xã Suối Hoa (huyện Tân Lạc).

Đón 4,9 triệu khách vào năm 2025

Theo đề án phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; tỉnh chú trọng công tác quy hoạch phát triển du lịch; ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình, Khu du lịch Mai Châu và những địa phương có tiềm năng du lịch như Lạc Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy.

cảnh quan hùng vĩ hồ Hòa Bình
Cảnh quan hùng vĩ hồ Hòa Bình

Các dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng-chữa bệnh-chăm sóc sức khỏe; du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng, du lịch hội thảo, kinh tế ban đêm sẽ được tập trung phát triển …Chú trọng khai thác thị trường vùng thủ đô Hà Nội song song với mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

Tỉnh phát triển du lịch theo hướng dẫn bền vững, gắn chặt với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; đa dạng các sản phẩm du lịch gắn với phát huy văn hóa, tiềm năng, lợi thế của địa phương và xây dựng nông thôn mới

Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh đặt mục tiêu thu hút đầu tư đạt 6,3 nghìn tỷ đồng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao.

Đến năm 2025 đạt 4,9 triệu lượt khách, tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 5,4 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 26 nghìn lao động; phấn đấu xây dựng khu du lịch hồ Hòa Bình cơ bản đạt các điều kiện của khu du lịch quốc gia vào năm 2025.

Giai đoạn 2025 – 2030, thu hút đầu tư đạt trên 11,9 nghìn tỷ đồng; phát triển nhiều sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn, chất lượng cao; đạt 7,3 triệu lượt khách, tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 11 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 47 nghìn lao động; khu du lịch hồ Hòa Bình trở thành khu du lịch quốc gia; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch

Đề án Phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025 đã đề ra 11 giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch bao gồm tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch.

Tỉnh chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư phát triển du lịch; phát triển thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền quảng quá, xúc tiến du lịch; mở rộng liên kết, hợp tác phát triển du lịch; bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch an toàn, vệ sinh, thân thiện, văn minh.

Tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế tiến tới công nghiệp hóa và hiện đại hóa ngành du lịch, nâng cao khả năng hội nhập của du lịch Hòa Bình với hoạt động phát triển du lịch ở trong nước, khu vực và trên thế giới; đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội xây dựng tỉnh Hòa Bình thành điểm đến du lịch hấp dẫn, an toàn, thân thiện, có môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch và phát triển bền vững.

Các ngành chức năng thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư phát triển du lịch, thu hút một số nhà đầu tư trong và ngoài nước lập dự án đầu tư phát triển du lịch như: Dự án Cáp treo và khu phức hợp vui chơi giải trí sân Golf (thành phố Hòa Bình), Khu du lịch nghỉ dưỡng Mai Đà Resort và Dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Hiền Lương (Đà Bắc); khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái Hồ Hòa Bình và Khu du lịch sinh thái hồ Gươm sông Đà (Tân Lạc)…

Hiện nay, tỉnh đang tập trung ưu tiên cho một số tập đoàn lớn như Sungroup, Tân Hoàng Minh, FLC nghiên cứu, khảo sát lập các dự án quy mô lớn, chất lượng cao tại khu du lịch hồ Hòa Bình và huyện Kim Bôi, Lạc Sơn theo quy hoạch.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, ngành du lịch tỉnh mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về du lịch và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động du lịch.

Trả lời

Gọi ngay

Facebook Chat

Zalo Chat