Nhà tù Phú Quốc (hay còn gọi với cái tên nhà lao Cây Dừa, trại giam Phú Quốc) khác với nhà tù Côn Đảo và được ví như “địa ngục trần gian” vì đã giam cầm hàng nghìn tù nhân yêu nước. Khi đến đây, du khách sẽ được nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận được nỗi đau thể xác lẫn tinh thần của những tù binh dưới sự tra tấn vô cùng dã man của kẻ thù.
Nhà tù Phú Quốc là địa điểm tham quan nổi tiếng được nhiều du khách lựa chọn trong hành trình du lịch Phú Quốc. Khi đến đây, các bạn sẽ được chứng kiến hơn 40 kiểu tra tấn được mô phỏng qua những mô hình tù nhân và cai ngục. Các bạn cảm thấy khâm phục sự kiên cường, bền bỉ của quân dân Việt Nam trước tội ác của đế quốc thực dân.
1. Địa điểm, giá vé và giờ mở cửa:
- Địa điểm:
Trại giam Phú Quốc có địa chỉ ở số 350, đường Nguyễn Văn Cừ, xã An Thới, Phú Quốc, Kiên Giang, cách trung tâm thị trấn Dương Đông, Phú Quốc khoảng 28km. Khi đặt chân đến đây, hầu hết khách du lịch đều có sự tò mò và mong muốn tìm hiểu về những câu chuyện thời chiến cùng những tội ác dã man đối với những chiến sĩ, đồng bào yêu nước thời Mỹ – Ngụy, Pháp thuộc.
- Giờ mở cửa
Nhà tù Phú Quốc giờ mở cửa từ 8h – 11h30 sáng và 13h30 – 17h chiều hàng ngày.
- Giá vé tham quan
Về giá vé, các bạn hoàn toàn yên tâm vì vé ở đây hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, du khách có thể thuê hướng dẫn viên để được nghe thuyết minh nhà tù Phú Quốc.
2. Lịch sử
Khi tới tham quan nhà tù Phú Quốc, du khách sẽ được “quay về quá khứ” với những câu chuyện rùng rợn, tàn độc, những cảnh tra tấn tàn bạo tại đây. Sau đay sẽ là lịch sử hình thành của nhà tù Phú Quốc.
2.1. Thời Pháp thuộc
Di tích nhà tù Phú Quốc được xây dựng vào năm 1946 khi thực dân Pháp chiếm đóng Phú Quốc và được chọn lọc là nhà tù lớn nhất Đông Nam Á. Lúc bấy giờ, nhà tù có tên gọi là Căng Cây Dừa, bao gồm 4 trại giam A, B, C, D và được xây dựng thành hình chữ nhật với diện tích 40ha.
Nơi đây được bao quanh bởi hàng rào dây thép gai chằng chịt, phía trên là dây điện và đèn trần chiếu sáng toàn trại để ngăn tù nhân trốn ngục. Bên cạnh đó, cửa bằng tôn thiếc, nền phòng giam được tráng xi măng, tránh tù nhân đào hầm bỏ trốn. Cùng với đó, tất cả các lính canh gác, các chòi canh đều được trang bị súng trường, tiểu liên.
2.2. Thời Mỹ – Ngụy
Đến năm 1955, một trại giam mới đã được xây dựng ở nhà lao Cây Dừa cũ với diện tích khoảng 4 ha, đặt tên là Trại huấn chính Cây Dừa hoặc Nhà lao Cây Dừa và giam giữ cả tù nhân nam, nữ, phụ lão. Từ tháng 2-9 năm 1956, có khoảng 100 tù nhân đã vượt ngục, trong đó có một số người không may bị bắn chết khi đang vượt rào.
Nhà tù Phú Quốc đã từng là nơi giam giữ tới 40.000 binh sĩ, tù binh, họ đều là những chiến sĩ cách mạng trung kiên và khoảng 4.000 người bị giết bởi các hình thức tra tấn dã man.
3. Nhà tù Phú Quốc có những gì ?
Nhà tù Phú Quốc được mệnh danh là ” địa ngục trần gian”. Tôi sẽ cho các bạn đi sâu hơn về di tích này như sau:
3.1. Khu di tích rộng lớn, còn giữ lại các hạng mục khi xưa
Nhà tù Phú Quốc có tổng diện tích lên đến 400ha với gần 500 ngôi nhà được chia thành 12 khu, trong đó có 2 khu đôi (mỗi khu này sẽ có 2 phân khu) và 10 khu (mỗi khu có 4 phân khu gọi là Khu A, B, C, D), mỗi phân khu cách nhau 100m. Mỗi phân khu gồm 11 ngôi nhà trong đó có 9 phòng giam, kích thước mỗi phòng giam là 20m x 5m. Đặc biệt, mỗi phân khu này đều có chuồng cọp và có 4 phân khu có nhà biệt giam.
Tất cả các nhà giam đều được xây dựng chắc chắn với tôn thiếc và xi măng, dây kẽm gai chằng chịt nhiều lớp, hoàn toàn cách biệt với bên ngoài. Cùng với đó là 4 vọng gác canh giữ 24/24 và 10 vọng gác lưu động, đèn chiếu sáng toàn khu trại.
- Phân khu B2: Được phục dựng với diện tích hơn 17.000m2 gồm: Vọng gác (chòi canh), Hệ thống hàng rào bằng dây kẽm gai sắc nhọn, Cổng trại giam của phân khu B2, Chuồng cọp kẽm gai, phòng biệt giam B2, dãy nhà ăn và nhà vệ sinh, các khu giam giữ và tra tấn tù binh…
3.2. Phân khu B2 – tái hiện sống động nhà tù Phú Quốc trước kia
Phân khu B2 thuộc phân khu vô cùng quan trọng bởi đây là nơi tái hiện sống động nhất về nhà tù Phú Quốc ngày trước. Nơi đây đã được phục dựng lại, cụ thể như sau:
- Vọng gác (chòi canh): Nằm ở bốn góc, được làm bằng cốt thép, cao khoảng 5m và có mái che bằng tôn.
- Cổng trại giam phân khu B2: Cổng được quấn nhiều lớp rào bằng kẽm gai, có quân cảnh bảo vệ
- Chuồng cọp kẽm gai: Ở đây có các chuồng cọp ngồi, nằm, chuồng cọp nửa thấp nửa cao. Chiều dài khoảng 2m, chiều rộng và chiều cao khoảng 0.5m, được đặt ngoài trời và làm bằng kẽm gai, bên trong có các mô hình tù binh bị giam giữ.
- Liền kề với các chuồng cọp kẽm gai là kiểu giam giữ tù binh bằng thùng cát xô, trên đỉnh có đục một lỗ thông hơi, trên thành đục cửa sổ nhỏ để đưa cơm, nước vào cho tù binh.
- Hàng rào: Hệ thống này được làm bằng dây kẽm gai sắc nhọn và được quấn thành 8 đến 10 lớp.
- Phòng biệt giam B2: Căn phòng này có diện tích 9 x 3m, với vách được làm bằng thép tấm, đục lỗ nhỏ, mái che bạt, nền tráng xi măng và có lưới rào dây kẽm gai sắc nhọn. Phòng biệt giam B2 ở di tích nhà tù Phú Quốc tái hiện cảnh tượng địch tra tấn tù binh bằng chày vồ, giày đinh, chôn sống…
- Dãy nhà vệ sinh, nhà ăn, khu bếp: Được khắc họa bằng những mô hình tù binh đang nấu ăn, cảnh cai ngục bắt tù binh dọn dẹp…
- Khu giam giữ và tra tấn tù binh: Nơi đây được đánh số thứ tự từ 1 đến 18. Sau khi phục dựng, nơi đây có các mô hình tù binh và cai ngục, tái hiện cuộc sống sinh hoạt, các cuộc đấu tranh chống đàn áp, các hình thức tra tấn tù binh, cảnh giam giữ, đường hầm được đào để vượt ngục…
3.3. Những màn tra tấn man rợ trong nhà tù Phú Quốc:
Nhiều du khách sẽ cảm thấy nổi da gà vì những cảnh nhục hình, tra tấn man rợ được mô phỏng lại khi đến với nhà tù Phú quốc
- Chuồng cọp kẽm gai: Tù nhân sẽ nằm trong chuồng cọp, xung quanh là hàng gai, không thể di chuyển được với diện tích chỉ 2m chiều dài và 0.5m chiều rộng.
- Lộn vỉ sắt: Tù nhân phải cởi hết quần áo rồi cắm đầu xuống vỉ sắt, lăn lộn nhiều lần. Mấu của vỉ sắt khiến toàn thân tù binh rỉ máu, tróc da đầu…
- Dìm đầu vào thùng phuy ngập nước: Tù binh bị cai ngục nhấn đầu xuống thùng phuy, một tên cai ngục khác sẽ dùng búa gõ vào thùng khiến tù binh đau đớn, chảy máu, sặc nước.
- Đục răng: Cai ngục sẽ đặt đầu gậy sắt vào chiếc răng định đục, rồi dùng chày vồ đóng vào đầu kia thật mạnh làm chiếc răng bị gãy văng ra.
- Đóng đinh: Cai ngục dùng đinh dài 3-10cm, đóng vào bộ phận trên người tù nhân như: Đầu ngón tay, bàn chân, xương bả vai, đầu gối…
- Luộc sống tù binh: Các quản tù bỏ tù nhân vào bao tải và để tù nhân vào chảo nước đang sôi sùng sục, vô cùng bỏng rát, đau đớn khủng khiếp.
Link nguồn:https://vinwonders.com/vi/bai-viet-du-lich/nha-tu-phu-quoc-nghia-dia-tu-binh-khong-the-bo-lo/
Biên tập: Đức Anh